Kết quả bước đầu trong thực hiện Đề án 06

Kết quả bước đầu trong thực hiện Đề án 06

Đề án của Chính phủ về Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong tiến trình chuyển đổi số toàn diện. Hiện Quảng Ninh đang tích cực triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 bằng nhiều giải pháp đồng bộ, thu được những kết quả bước đầu khả quan.


Cán bộ Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH, Công an tỉnh thu thập thông tin, làm hồ sơ cấp CCCD và tài khoản định danh điện tử cho công dân.

Một trong những cách làm sáng tạo, đem lại nhiều chuyển biến tích cực trong việc nâng cao nhận thức của người dân đối với công tác chuyển đổi số nói chung và tiếp cận với các dịch vụ công thiết yếu thuộc Đề án 06 nói riêng là việc thành lập và hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đang có 1.473 Tổ công nghệ số cộng đồng với sự tham gia của 11.255 thành viên. Trong đó có 1.462 tổ tại các thôn, bản, khu phố và 11 tổ trong các doanh nghiệp, bao phủ toàn bộ 177 xã, phường, thị trấn.

Để hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng đạt hiệu quả thực chất, các sở, ngành, đơn vị chức năng, trong đó nòng cốt là Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phối hợp hoàn thành Bộ tài liệu hướng dẫn về chuyển đổi số để cung cấp cho các Tổ tuyên truyền đến người dân. Đáng chú ý nhất trong Bộ tài liệu là 65 clip và infographic hướng dẫn về dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, chữ ký số...

Cùng với công tác tuyên truyền, việc nhanh chóng hoàn thiện dữ liệu dân cư cũng được lực lượng công an các đơn vị, địa phương thực hiện đồng bộ, đảm bảo nguồn dữ liệu luôn trong trạng thái “đúng - đủ - sạch - sống”. Đến hết tháng 10/2022, toàn tỉnh đã thu thập, cập nhật hơn 1,5 triệu dữ liệu nhân khẩu thường trú và hơn 63.000 dữ liệu nhân khẩu tạm trú; cập nhật gần 2.800 đối tượng quản lý pháp luật, gần 8.500 đối tượng quản lý nghiệp vụ, hơn 2.500 đối tượng quản lý khác vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Lực lượng công an cũng đã cấp thông báo số định danh cá nhân cho 100% công dân chưa được cấp CCCD trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời điều chỉnh thông tin công dân cho gần 32.000 trường hợp. Đến nay, toàn tỉnh cũng đã thu nhận và truyền dữ liệu lên Trung ương gần 1,5 triệu hồ sơ cấp CCCD, nhận và trả hơn 1 triệu thẻ CCCD cho người dân; thu nhận gần 300.000 hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử mức 2 cho công dân...

Nhờ dữ liệu dân cư được cập nhật theo đúng yêu cầu của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 Trung ương, hiện Quảng Ninh là một trong 14 tỉnh, thành phố đã kết nối hệ thống của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời đã bắt đầu khai thác được 3 dịch vụ thiết yếu ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã gồm: Dịch vụ xác nhận số định danh cá nhân (số căn cước công dân) và chứng minh nhân dân; dịch vụ xác nhận thông tin hộ gia đình (các thành viên có phải là thành viên của chủ hộ không) và dịch vụ chia sẻ thông tin công dân. Tỉnh cũng đã hoàn thành việc kết nối Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với Hệ thống giải quyết TTHC của các bộ, ngành: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tổng Công ty Bưu điện và Cổng dịch vụ công quốc gia.


Các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng phường Hồng Hà (TP Hạ Long) hướng dẫn người dân đăng ký tài khoản định danh điện tử và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.

Đặc biệt, một trong những mục tiêu của Đề án 06 là giúp giảm tối đa thời gian giải quyết TTHC của công dân, tiết kiệm kinh phí cho nhà nước trong công tác lưu trữ, bảo quản hồ sơ, tỉnh cũng đã tích cực triển khai hàng loạt giải pháp để chuẩn hóa, số hóa, tái sử dụng dữ liệu hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC. Trên cơ sở thí điểm việc số hóa và bóc tách dữ liệu hồ sơ TTHC thuộc 5 ngành, lĩnh vực trọng điểm tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh từ ngày 1/6/2022, đến ngày 1/7/2022, tỉnh đã triển khai số hóa và bóc tách dữ liệu đối với 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06.

Qua 3 tháng triển khai, đã có 20/25 dịch vụ công thiết yếu thuộc Đề án 06 phát sinh hồ sơ trực tuyến với tỷ lệ gần 70%. Trong đó có nhiều dịch vụ công đạt tỷ lệ hồ sơ trực tuyến cao, như: Thủ tục Đăng ký thuế lần đầu, thay đổi thông tin đăng ký thuế đối với người nộp thuế là hộ gia đình, cá nhân đạt 100%; thủ tục Cấp điện mới từ lưới điện hạ áp (220/380V) đạt 100%; thủ tục Đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng đạt trên 99%; các dịch vụ Khai sinh, Khai tử, Kết hôn... đều đạt trên 80%.

Tỉnh cũng đã hoàn thành việc kết nối dữ liệu dân cư và hệ thống một cửa điện tử; đảm bảo 100% xác thực định danh điện tử và kết nối một số hệ thống thông tin thuộc các ngành, lĩnh vực trọng yếu, như: Thủ tục trợ cấp thất nghiệp lĩnh vực bảo trợ xã hội của Bộ LĐ-TB&XH, thủ tục đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin (đổi tên hoặc giấy tờ pháp nhân, giấy tờ nhân thân, địa chỉ) trên Cổng Dịch vụ công quốc gia...

nguồn: Cổng TTĐT tỉnh

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 50