Thông báo Tiếp tục phòng trừ sâu bệnh hại lúa vụ vụ Đông Xuân 2023-2024
Qua phối hợp với Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp Thành phố điều tra thực tế tại các thôn trên địa bàn xã, cây lúa vụ đông xuân 2023-2024 đang giai đoạn đòng già - trỗ, rải rác một số diện tích cấy muộn lúa đang làm đòng. Thời gian qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường gây mưa rào và giông ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng và thuận lợi cho các loại sâu bệnh phát sinh gây hại, cũng như ảnh hưởng đến hiệu quả phòng trừ dịch hại của người dân. Một số đối tượng sinh vật hại chủ yếu là sâu cuốn lá nhỏ, bệnh khô vằn, rầy nâu – rầy lưng trắng, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn….
I. Tình hình sâu bệnh hại:
1- Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn
Sau các đợt giông gió, bệnh đốm sọc vi khuẩn, bạc lá vi khuẩn hại lúa đang phát sinh và gây hại từ nhẹ đến nặng trên các ruộng xanh tốt, lá rậm rạp, nhất là trên diện tích cấy các giống lúa có bản lá to, màu xanh đậm như BC15, RVT, Nếp,.... Tỷ lệ hại phổ biến 5%, cao 10-15%, cục bộ: 30-40% số lá bị hại.
2. Sâu cuốn lá nhỏ
Qua kiểm tra đồng ruộng, sâu non đang gây hại với mật độ nơi cao 20-30 con/m2 trên những chân ruộng giai đoạn đòng non. Nếu không phòng trừ kịp thời sâu gây hại sẽ gây trắng, ảnh hưởng đến năng suất cuối vụ.
3. Rầy nâu, rầy lưng trắng
Rầy lứa 3 đang nở và gây hại với mật độ phổ biến 300 con/m2, nơi cao 1.500 con/m2, cục bộ 2.500-3.000 con/m2 tại một số thửa ruộng ở thôn Khe Khoai, Đồng Vải, Chân Đèo...
II. Biện pháp xử lý
Để hạn chế tác hại của các loại sâu bệnh gây hại, đảm bảo an toàn cho sản suất, bảo vệ năng suất lúa vụ Đông xuân 2023- 2024, theo khuyến cáo của Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp cần thực hiện các biện pháp xử lý sau:
1. Đối với bệnh bạc lá lúa, đốm sọc vi khuẩn.
Sau mưa, cần kiểm tra ngay đồng ruộng. Nếu phát hiện ruộng chớm bị bệnh, cần dừng ngay việc bón phân hóa học, nhất là đạm và thuốc kích thích sinh trưởng.
Phun phòng trừ ngay bằng các thuốc trừ bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn như: Kasagen 250WP, Lilacter 0,3SL, Kasumin 2 SL, Sasa 20WP, Kamsu 2SL,.... Những ruộng bị bệnh nặng cần phun kép (2 lần) cách nhau 5 - 7 ngày.
2. Bệnh đạo ôn.
Đối với bệnh đạo ôn cổ bông: theo dõi sát tình hình thời tiết để có biện pháp phòng trừ, nhất là tại những vùng có nguy cơ cao (giống nhiễm, những diện tích lúa đã bị nhiễm đạo ôn lá) bằng các thuốc đặc hiệu như Filia-525SE; Tilbis Super 55 SE, Kabum 650 650WP; Fiji-One 40EC; Difusan 40EC,… ngay khi lúa bắt đầu trỗ và khi lúa đã trỗ đều.
3. Bệnh khô vằn.
- Đảm bảo giữ mực nước trong ruộng 2-3 cm, bón phân cân đối, tăng cường bón phân kali giúp tăng khả năng chống chịu cho cây lúa.
- Không bón đạm, không phun thuốc kích thích sinh trưởng và phân qua lá trên các ruộng lúa bị bệnh.
- Phun trừ cho những diện tích có tỷ lệ bệnh từ 10% số dảnh bị bệnh trở lên bằng một trong các loại thuốc bảo vệ thực vật như: Validacin 5SL, Anvil 5SC, Vanicide 5SL, Tilbis Super 550SE, Lilacter 0.3 SL....
4. Đối với sâu cuốn lá nhỏ.
- Khuyến cáo sử dụng một trong các loại thuốc sau: Bemab 52 WG, Angun 5WG, Peran 50EC, Reasgant 3.6EC... để phun trừ. Những nơi có mật độ sâu cao đề nghị phun kép 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 3 - 5 ngày.
5. Đối với rầy nâu, rầy lưng trắng.
Kiểm tra, phun trừ toàn bộ những diện tích có mật độ từ 2.000 con/m2 (trà lúa giai đoạn trước trỗ), sử dụng một số loại thuốc như: Babsax 300WP, Anvado 100WP, Bassa 50EC, Goldra 250WG, Vuachest 800WG,…Đối với những nơi có mật độ trên 1.000 con/m2 (trà lúa giai đoạn sau trỗ) sử dụng một số loại thuốc như: Bassa 50EC, Sachray 200WP,...
Hội Nông dân xã đề nghị các thôn, các chi hội quan tâm, hướng dẫn nông dân thăm đồng thường xuyên, chủ động trong việc phòng trừ để hạn chế sự phát sinh, phát triển và kiểm soát được mức độ gây hại của các loại sâu bệnh gây hại trên cây lúa./.