Tiếp tục phòng trừ sâu bệnh hại lúa vụ xuân 2024
Hiện nay, lúa xuân trên địa bàn xã đang giai đoạn đứng cái – làm đòng, đòng một số trà sớm ở giai đoạn cuối đẻ nhánh – đứng cái. Đây là thời gian cao điểm gây hại của một đối tượng sinh vật gây hại như: Sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu-rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn,… nếu không được phòng trừ bệnh kịp thời sẽ ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển của cây trồng và năng suất cuối vụ. Để đảm bảo cho vụ xuân 2024 đạt sản lượng cao Hội Nông dân xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp Thành phố đề xuất các biện pháp xử lý như sau:
1. Đối với sâu cuốn lá nhỏ
- Theo dõi thời gian trưởng thành vũ hóa để phun trừ hiệu quả.
+ Dự kiến thời gian phun trừ: từ 28/4-03/5/2024.
+ Phun trừ đối với những ruộng lúa giai đoạn đẻ nhánh có mật độ sâu non (tuổi 1 - 2) từ 50 con/m2 trở lên; giai đoạn đòng có mật độ sâu non (tuổi 1 - 2) từ 20 con/m2 trở lên.
- Khuyến cáo sử dụng một trong các loại thuốc sau: Bemab 52 WG, Angun 5WG, Peran 50EC, Reasgant 3.6EC... để phun trừ. Những nơi có mật độ sâu cao đề nghị phun kép 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 3 - 5 ngày.
2. Đối với rầy nâu - rầy lưng trắng
Kiểm tra, phun trừ toàn bộ những diện tích có mật độ từ 2.000 con/m2 (trà lúa giai đoạn trước trỗ), sử dụng một số loại thuốc như: Babsax 300WP, Anvado 100WP, Bassa 50EC, Goldra 250WG, Vuachest 800WG,…Đối với những nơi có mật độ trên 1.000 con/m2 (trà lúa giai đoạn sau trỗ) sử dụng một số loại thuốc như: Bassa 50EC, Sachray 200WP,...
3. Bệnh khô vằn
- Đảm bảo giữ mực nước trong ruộng 2-3 cm, bón phân cân đối, tăng cường bón phân kali giúp tăng khả năng chống chịu cho cây lúa.
- Không bón đạm, không phun thuốc kích thích sinh trưởng và phân qua lá trên các ruộng lúa bị bệnh.
- Phun trừ cho những diện tích có tỷ lệ bệnh từ 10% số dảnh bị bệnh trở lên bằng một trong các loại thuốc bảo vệ thực vật như: Validacin 5SL, Anvil 5SC, Vanicide 5SL, Tilbis Super 550SE, Lilacter 0.3 SL....
Lưu ý: - Nồng độ và liều lượng phun theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì;
- Sau khi phun trừ nếu gặp trời mưa phải tiến hành kiểm tra, nếu mật độ và tỷ lệ bệnh còn cao tiến hành phun lại.
* Ngoài ra, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến các đối tượng dịch hại khác như: Sâu đục thân 2 chấm, chuột hại, bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh bạc lá,... để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Hội Nông dân xã đề nghị UBND xã quan tâm chỉ đạo các thôn, hướng dẫn người dân theo dõi và phòng trừ sâu bệnh hại lúa theo hướng dẫn./.