Tin tuyên truyền phòng chống tội phạm lừa đảo
Trong thời gian qua, mặc dù các ngành, lực lượng chức năng đã thường xuyên tuyên truyền, thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tải sản trên mạng xã hội, mạng internet, mạng viễn thông (tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng), tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người dân chưa được tiếp cận, thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin, hám lợi, mất cảnh giác... nên để các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong đó, nổi lên một số phương thức, thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng như: (1) Giả danh các nhà mạng gọi điện thông báo số thuê bao điện thoại của bạn đã trúng thưởng tài sản có giá trị lớn, để nhận được tài sản đó phải mất phí, nếu đồng ý thì mua thẻ cào nạp vào số tài khoản mà các đối tượng lừa đảo cung cấp, khi người dân đóng tiền vào để nhận thưởng thì các đối tượng chặn liên lạc lại và chiếm đoạt số tiền đó.(2) Giả danh là cán bộ Ngân hàng gọi điện cho bị hại thông báo bị hại có người chuyển tiền vào tải khoản nhưng do bị lỗi nên chưa chuyển được hoặc thông báo phần mềm chuyển tiền Internet Banking của khách hàng bị lỗi...nên yêu cầu khách hàng cung cấp mã số thẻ và mã OTP để kiểm tra. Các đối tượng sử dụng thông tin bị hại cung cấp để truy cập vào tài khoản và rút tiền của bị hại. (3) Giả danh Công an, Tòa án, Viện kiểm sát gọi điện thông báo người dân có liên quan vụ án hoặc xử phạt nguội vi phạm giao thông, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản mà các đối tượng lừa đảo đưa ra để phục vụ công tác điều tra. Khi người dân do lo sợ và chuyển tiền vào tài khoản các đối tượng yêu cầu thì các đối tượng chuyển tiếp số tiền đó vào nhiều tài khoản khác và chiếm đoạt. (4) Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và nhu cầu kiếm tiền nhanh của bị hại, các đối tượng giả mạo tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Bằng thủ đoạn lập các trang Facebook giả mạo các nhãn hàng, trang thương mại điện tử như: Tiki.vn, Lazada, TokyoLive, Shopee...và chạy quảng cáo. (5) Lừa đảo thông qua các sàn giao dịch trên mạng. Các đối tượng mời chào, lôi kéo bị hại tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo...do đối tượng thiết lập, cam kết sẽ hưởng lợi nhuận cao khi tham gia hệ thống. Khi bị hại đầu tư sẽ chuyển tiền vào tài khoản của chúng và nhờ chúng đặt lệnh hộ không phải làm gì cả sau đó chiếm đoạt. (6) Đối tượng sử dụng thông tin cá nhân, hình ảnh của các đồng chí lãnh đạo các cơ quan chính quyền, đoàn thể...để thiếp lập tài khoản mạng xã hội (zalo, facebook...) mạo danh. Sau đó, các đối tượng dùng tài khoản mạo danh để kết bạn, nhắn tin trao đổi vay, mượn tiền của bạn bè, người thân, đồng nghiệp, cấp dưới...và chiếm đoạt tiền của các bị hại chuyển đến; hoặc đối tượng lừa đảo hack (chiếm đoạt quyền điều khiển) tài khoản mạng xã hội sau đó tạo ra kịch bản nhắn tin lừa đảo đến bạn bè của chủ tài khoản mạng xã hội và chiếm đoạt tiền của các bị hại chuyển đến tài khoản ngân hàng do các đối tượng chỉ định. (7) Thủ đoạn cho vay tiền qua app (vay tiền online): Lợi dụng tâm lý vay tiền online thuận lợi, nhanh chóng, không phải ra ngân hàng làm thủ tục, các đối tượng lập ra các trang trên mạng xã hội (zalo, facebook...) chạy quảng cáo để tiếp cận các bị hại. (8) Bẫy tình trên mạng xã hội: Giả làm quân nhân, doanh nhân người nước ngoài làm quen tán tỉnh sau đó gửi quà có giá trị về Việt Nam sau đó giả làm hải quan, an ninh sân bay yêu cầu đóng phí nhận hàng.(9) Thủ đoạn chuyển tiền làm từ thiện: Đóng vai người nước ngoài muốn gửi tiền về Việt Nam làm từ thiện, bạn sẽ đóng từ thiện hộ và được nhận 20 - 30%, sau đó đối tượng khác giả hải quan, an ninh sân bay yêu cầu đóng phí nhận tiền. (10) Lừa đảo mua bán hàng trực tuyến: Gửi link thanh toán giả mạo để chiếm đoạt tiền đặt cọc khi đặt hàng. (11) Giả nhân viên ngân hàng nâng cấp App ngân hàng, nâng cấp sim 4G, cung cấp các đường link giả nạn nhân cung cấp mật khẩu, đối tượng đăng nhập và chiếm đoạt. (12) Giao việc làm thêm tại nhà, các công việc đơn giản như lắp ráp bút bi, vòng hạt… muốn nhận việc thì phải đóng tiền cọc hàng, sau khi nhận tiền thì cắt liên lạc. (13) Mạo danh công ty bảo hiểm xã hội thông báo nợ tiền bảo hiểm hoặc trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, yêu cầu đóng phí không sẽ báo cơ quan Công an - Gần như tương tự với giả danh các cơ quan pháp luật. (14) Giả vờ chuyển tiền nhầm để ép vay, sau khi liên hệ yêu cầu nạn nhân trả vào tài khoản khác một thời gian thì yêu cầu đóng lãi, nếu không sẽ kiện ra toà hoặc quấy rối. Nếu không trả thì sẽ đăng bài bóc phốt hoặc doạ kiện vì sử dụng trái phép tài sản. (15) Lừa đảo cuộc gọi Deepfake (gọi video giả mạo khuôn mặt); khóa sim khi chưa chuẩn hóa thông tin thuê bao; tuyển người mẫu nhí; combo du lịch giá rẻ không đồng; giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; đánh cắp thông tin CCCD để vay tín dụng; lừa đảo cho số đánh đề hoặc cho kèo cá độ bóng đá; lừa đảo thông qua hoạt động mua bán hàng trên mạng…
Trước diễn biến phức tạp của hoạt động tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, để tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phòng chống loại tội phạm này, UBND xã Thống Nhất yêu cầu Nhân dân trên địa bàn xã:
1. Cảnh giác với các phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông và mạng internet, từ đó tự trang bị kiến thức, hiểu biết về phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên không gian mạng để chủ động cảnh giác, có ý thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ tải sản và tố giác với cơ quan chức năng khi phát hiện nghi vấn hoạt động phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
2. Tuân thủ đúng quy định của pháp luật, không lợi dụng việc sử dụng thuê bao di động (sim rác), mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, dịch vụ internet để thực hiện tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời khuyến cáo thực hiện tốt việc bảo mật các thông tin tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, không để sơ hở, các đối tượng đánh cắp thông tin, lợi dụng thực hiện tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến công nghệ cao; thận trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bản thân trên các trang mạng xã hội, không kết bạn với người lạ qua facebook, zalo, đặc biệt là người nước ngoài khi họ đưa ra những lời hứa về vật chất, nhất là những tài khoản mới được tạo lập, ít có hoạt động, không có danh sách bạn bè.
Tuyên truyền khẩu hiệu “4 không, 2 phải”. Gồm:
- “4 không” là: (1) Không sợ (không hoảng sợ khi nhận được điện thoại, tin nhắn, các thông tin mà người lạ mặt gửi đến có nội dung xấu liên quan đến cá nhân và người thân); (2) Không tham (khi có người lạ gọi điện hoặc gửi tin nhắn thông báo được trúng thưởng hoặc nhận được khoản tiền lớn không rõ nguồn gốc thì không được tin lời các đối tượng); 3) Không kết bạn với người lạ (khi có người lạ mặt trên mạng xã hội kết bạn làm quen không rõ là ai, mục đích thì không nên kết bạn, bắt chuyện, nhất là không được cung cấp các thông tin cá nhân để đối tượng có thể lợi dụng); (4) Không làm (khi các cá nhân không quen biết yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc yêu cầu chuyển tiền hay làm một số việc thì tuyệt đối không được làm theo).
- “2 phải” là: (1) Phải thường xuyên cảnh giác (chủ động bảo mật các thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng như: Thông tin thẻ căn cước công dân; thông tin tài khoản ngân hàng; thông tin tài khoản mạng xã hội...); (2) Phải tố giác ngay với cơ quan pháp luật khi có nghi ngờ (khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn hoặc các nội dung nghi ngờ là hoạt động lừa đảo hoặc không có cơ sở khẳng định nội dung thì các cá nhân phải báo ngay cho cơ quan pháp luật để được hướng dẫn xử lý).