Trung tâm DVKTNN TP Hạ Long: Đồng hành cùng nông dân phát triển sản xuất

https://halongcity.gov.vn/trung-tam-dvktnn-tp-ha-long-dong-hanh-cung-nong-dan-phat-trien-san-xuat-p13n56665.html

Với chức năng nhiệm vụ tham mưu cho UBND thành phố triển khai thực hiện công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; những năm qua Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp (DVKTNN) thành phố Hạ Long thường xuyên triển khai hiệu quả các chương trình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; xây dựng và nhân rộng các mô hình khuyến nông, giúp nông dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Mấy năm nay, gia đình ông Trần Văn Tụ ở thôn 2 xã Quảng La tận dụng diện tích ao sẵn có để ốc nhồi và cá các loại. Nhưng do chăn nuôi tự phát, không có nguồn giống đảm bảo chất lượng và thiếu kiến thức về chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nên hiệu quả thấp. Khi biết Trung tâm DVKTNN thành phố phối hợp với Hội Nông dân xã triển khai mô hình nuôi ốc nhồi, gia đình ông đã đăng ký thực hiện và được cán bộ Trung tâm hỗ trợ nhiệt tình về kỹ thuật chăn nuôi. Ông Tụ cho biết: Toàn bộ quá trình nuôi, chăm sóc ốc nhồi, gia đình ông đều thực hiện theo đúng hướng dẫn của cán bộ Trung tâm DVKTNN thành phố. Nhờ chăm sóc tốt, đúng quy trình nên chỉ sau hơn 3 tháng thả giống, lứa ốc nhồi đã cho thu hoạch với sản lượng ước đạt trên 1 tấn, giá bán lẻ 100.000đ/kg, bán giao 80.000đ/kg, đem lại thu nhập cao cho gia đình.

Trao đổi với ông Bàn Văn Trường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng La, được biết: Nhiều năm nay, Trung tâm DVKTNN thành phố luôn tích cực đồng hành cùng bà con nông dân trên địa bàn, giúp nông dân kỹ thuật triển khai các mô hình phát triển sản xuất mới, hay tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức chăn nuôi, trồng trọt. Năm 2023, tại xã Quảng La, Trung tâm cũng đã tổ chức 2 lớp tập huấn IPM và hỗ trợ 2 mô hình mới. Nhờ vậy, thu nhập của người dân trên địa bàn xã ngày càng được nâng cao, góp phần tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao của xã.

Tại khu vực các xã của thành phố Hạ Long, chủ yếu đều là địa hình bán sơn địa, song thu nhập của người dân lại phụ thuộc phần lớn vào nông nghiệp. Do đó ứng dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình mới để nâng cao giá trị kinh tế trên 1 đơn vị diện tích là mục tiêu mà thành phố hướng tới trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Để giúp nông dân cập nhật các kiến thức sản xuất mới, mạnh dạn áp dụng những tiến bộ KHKT vào sản xuất, hàng năm trung tâm DVKTNN thành phố đều xây dựng kế hoạch triển khai tập huấn, xây dựng mô hình, quản lý dịch hại trên địa bàn tất cả các xã. Bình quân mỗi năm tổ chức 18-20 lớp tập huấn và triển khai 1-2 mô hình sản xuất. Riêng năm 2023 đã tổ chức 18 lớp tập huấn về quản lý, bảo vệ thực vật và chăn nuôi gia súc; đồng thời triển khai 2 mô hình sản xuất mới là nuôi ốc nhồi và trồng ngô vụ đông giống mới.

Gia đình ông Hà Văn Linh ở thôn Chợ xã Thống Nhất có truyền thống trồng ngô vụ đông đã nhiều năm với diện tích 7-8 sào mỗi vụ. Song đến năm nay, tham gia lớp tập huấn trồng ngô do Trung tâm DVKTNN thành phố tổ chức, ông Linh mới biết quy trình trồng, chăm sóc cây ngô đúng kỹ thuật; cùng với đó là được cung cấp giống ngô mới. Ông Linh cho biết: Hàng tuần, cán bộ Trung tâm DVKTNN thành phố đều xuống ruộng kiểm tra tình hình phát triển và sâu bệnh của cây ngô; hướng dẫn bà con chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh đúng cách, đúng thời điểm. Mặc dù chưa đến thời gian thu hoạch, song ông rất phấn khởi khi thấy các tấm ruộng thực hiện theo mô hình đều phát triển tốt, cây khỏe và ít sâu bệnh hơn hẳn so với trước đây, hứa hẹn sẽ cho 1 vụ ngô bội thu.

Ông Lê Đình Anh, Giám đốc Trung tâm DKTNN thành phố cho biết: Mục tiêu của Trung tâm khi thực hiện mô hình này là cải cách cây giống để nâng cao năng suất, chất lượng. Năm nay, mô hình được triển khai thí điểm tại 2 xã Quảng La, Thống Nhất với diện tích 5 ha. Nếu đạt năng suất, chất lượng tốt, từ năm sau Trung tâm sẽ phổ biến, nhân rộng giống ngô mới trên địa bàn các xã khác. 

Bên cạnh việc xây dựng và nhân rộng các mô hình mới, trung tâm DVKTNN thành phố cũng đặc biệt quan tâm hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp bền vững. Do vậy, hàng năm, Trung tâm đều triển khai 5-6 lớp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây lúa, cây ngô và các loại cây ăn quả. Qua đó giúp người nông biết sử dụng đúng cách các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao; giảm thiểu rủi ro đối với sức khỏe con người và môi trường.

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 98