Tiếp tục phòng trừ bệnh sâu bệnh hại lúa vụ mùa

Hiện nay, lúa mùa sớm đang giai đoạn căng the – trỗ, lúa mùa trung đang giai đoạn làm đòng – đòng già. Thời gian qua, thời tiết trên địa bàn Thành phố trời nắng nóng xen kẽ mưa rào và giông thuận lợi cho sâu bệnh hại phát sinh phát triển như cuốn lá nhỏ, rầy nâu rầy lưng trắng, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá vi khuẩn,…

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra, UBND xã Thống Nhất thông báo tình hình sinh vật gây hại và hướng dẫn các biện pháp xử lý như sau:

I. Tình hình sinh vật gây hại

1. Sâu cuốn lá nhỏ

Sâu cuốn lá nhỏ cao điểm 2 lứa 6 đã vũ hóa rộ với mật độ phổ biến 5-7 con/m2 , nơi cao 30 con/m2 , cục bộ có ruộng >50con/m2 , tại Vũ Oai, Hòa Bình, Lê Lơi, Quảng La,…, Sâu non đã và đang nở gây hại với mật độ phổ biến 2 con/m2 , cao 8 – 10 con/m2 , cục bộ 20 con/m2 nếu không được phòng trừ tốt sâu cuốn lá nhỏ sẽ gây hại đến bộ lá đòng, ảnh hưởng đến năng suất cuối vụ.

2. Rầy nâu, rầy lưng trắng

Hiện nay rầy nâu, Rầy lưng trắng lứa 6 tiếp tục nở và gây hại trên các trà lúa đang giai đoạn làm đòng với mật độ phổ biến: 150 – 200 con/m2 , cao 1000 con/m2 , cục bộ: 2000 con/m2 (T1- T2) tại Thống Nhất, Lê Lợi, Dân Chủ, Sơn Dương. Với điều kiện thời tiết như hiện nay rất thuận lợi cho rầy nâu, RLT gia tăng về mật độ, gây cháy rầy với những diện tích lúa đang giai đoạn làm đòng – thấp tho trỗ.

3. Bệnh khô vằn

Bệnh khô vằn gây hại mạnh trên các chân ruộng lúa gieo cấy dầy, phát triển rậm rạp, bón phân không cân đối, giai đoạn đứng cái – làm đòng, tỷ lệ bệnh hại phổ biến 5%, cao 10-20% số dảnh (C1-C3), cục bộ >30% số dảnh (C5-C7) tại Vũ Oai, Thống Nhất, Tân Dân, Dân Chủ,... Thời gian tới do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết mưa nắng xen kẽ, bệnh tiếp tục phát sinh gây hại mạnh trên các trà lúa, tỷ lệ bệnh nơi cao có thể lên đến 30 - 50% số dảnh, cục bộ có diện tích sẽ gây lụi chòm, bạt.

4. Bệnh bạc lá lúa, đốm sọc vi khuẩn

Bệnh đốm sọc vi khuẩn, bạc lá lúa đang phát sinh và gây hại từ nhẹ đến nặng trên các ruộng xanh tốt, lá rậm rạp, nhất là sau các trận dông, gió,mưa rào. Tỷ lệ hại phổ biến 5%, cao 10-15%, cục bộ: 20%. Diện tích nhiễm 10 ha, nhiễm trung bình 1 ha tại Hòa Bình, Thống Nhất, Lê Lợi,....

5. Bệnh đạo ôn cổ bông

Bệnh đạo ôn cổ bông dự kiến sẽ phát sinh và gây hại trên các diện tích nhiễm đạo ôn lá và trên các giống lúa nhiễm như BC15, TBR225, Hương thơm, Đài Thơm 8,….. Bệnh đạo ôn cổ bông làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của cây, nguy cơ ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa sau này nếu không được phun phòng trừ kịp thời.

II. Đề xuất biện pháp phòng trừ

Để chủ động phòng chống và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do các đối tượng sâu bệnh hại gây ra, UBND xã đề xuất biện pháp xử lý như sau:

1. Đối với sâu cuốn lá nhỏ: Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, kịp thời theo dõi thời gian trưởng thành vũ hóa rộ để phun trừ thích hợp, hiệu quả. + Phun trừ đối với những ruộng lúa giai đoạn làm đòng có mật độ sâu non (tuổi 1-2 ) từ 20 con/m2 trở lên. + Dự kiến thời gian phun trừ từ 30/8 – 4/9 + Khuyến cáo sử dụng một trong số các loại thuốc sau: Clever 150SC, Angun 5WG, Peran 50EC; Tasieu 5WG; Vitako 40WG; Reasgant 3.6EC, Wamtox 100EC;…để phun trừ. Những nơi có mật độ sâu cao đề nghị phun kép 2 lần, lần 2 cách lần 1 từ 3-5 ngày.

2. Rầy nâu, rầy lưng trắng - Chỉ đạo các hộ nông dân kiểm tra ngay đồng ruộng. Nếu phát hiện thấy mật độ rầy cao cần tiến hành phun thuốc trừ rầy nâu, RLT theo hướng dẫn sau: + Kiểm tra phun trừ toàn bộ những diện tích có mật độ từ 1.500 con/m2 , sử dụng một số loại thuốc như: Babsax 400WP, Anvado 100WP, Bassa 50EC, Goldra 250WG, Sạch rầy,... + Đối với những nơi có mật độ trên 2.000 con/m2 sử dụng hỗn hợp 2 loại thuốc như: 2 gói Babsax 400WP (hoặc 2 gói Anvado 100WP) + với 60 ml thuốc Bassa 50EC pha với 30 lít nước phun cho 1 sào. + Những nơi có mật độ rầy cao >3.000 con/m2 cần tiến hành phun kép 2 lần (lần 1 cách lần 2 từ 3-4 ngày). + Cần rẽ thành lối nhỏ và phun hạ thấp vòi cho thuốc bám vào phần thân cây lúa.

3. Đối với bệnh khô vằn - Bón phân cân đối tránh bón thừa đạm, có thể phối hợp thêm kali hoặc tro bếp để tăng cường tính chống chịu của cây. - Tiến hành phun trừ bằng các loại thuốc hóa học khi tỷ lệ bệnh trên 20% số dảnh, chú ý phun tiếp xúc với tầng lá dưới của cây kết hợp với rút bớt nước trên đồng ruộng, để mức nước 2-3cm. Sử dụng một số loại thuốc phun trừ đạt hiệu quả: Validacin 3SL/ 5SL, Anvil 5SC, A-V-T Vil 5SC, Tilt super 300EC…

4. Đối với bệnh bạc lá lúa, đốm sọc vi khuẩn. Sau mưa, cần kiểm tra ngay đồng ruộng. Nếu phát hiện ruộng chớm bị bệnh, cần dừng ngay việc bón phân hóa học, nhất là đạm và thuốc kích thích sinh trưởng, phun phòng trừ ngay bằng các thuốc trừ bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn như: Kasagen 250 WP, Linacin 40SL, Sasa 25WP, Lilacter 0,3L.... Những ruộng bị bệnh nặng cần phun kép (2 lần) cách nhau 5 - 7 ngày. Lưu ý: Khi phun phải phun ướt đẫm lá (đảm bảo lượng nước thuốc đã pha phun cho một sào 20-22 lít), sau khi phun xong nếu gặp mưa phải tiến hành phun lại.

5. Đối với bệnh đạo ôn cổ bông - Giữ đủ nước trong ruộng, tạo điều kiện thuận lợi cho lúa làm đòng, trỗ bông - phơi màu; - Đối với những diện tích lúa đang giai đoạn đòng căng the - trỗ: kiểm tra, chỉ đạo phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông trên những giống lúa nhiễm (JO2, BC15, TBR225, Thiên ưu 8, Đài thơm...); phun lần 1 khi đòng căng the, trỗ báo; lần 2 phun khi lúa đã trỗ thoát (đối với những diện tích lúa đã bị đạo ôn lá nặng). Khuyến cáo sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật phun phòng trừ bệnh đạo ôn như: Filia-525SE; Tilbis Super 550SE, Difusan 40EC, Fuji-One 40EC, … (Liều lượng, nồng độ pha theo hướng dẫn trên bao bì). Lưu ý: Khi phun phải phun ướt đẫm lá, bông (đảm bảo lượng nước thuốc đã pha phun cho một sào 20-22 lít), sau khi phun xong nếu gặp mưa phải tiến hành phun lại.

Ngoài ra cần theo dõi chặt chẽ bệnh lùn sọc đen, sâu đục thân 2 chấm, chuột, ...... để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 108